Lần theo dấu đồng tiền, kiểu Trung quốc

Translated from Follow the Money, China-Style (The New York Times)

Bài viết bởi Yu Hua, ngày 11/05/2014

Người dịch: Thông Reo

Chuyện như đùa: quan chức tham nhũng giúp kiềm chế lạm phát ở Trung quốc!

Bắc Kinh – Từ khi Trung quốc thả nổi tỷ giá hối đoái vào ngày 21 tháng 7 năm 2005, đồng nhân dân tệ đã tăng giá đều đặn so với đồng đô la Mỹ, từ 8,28 tệ cho một đô la vào tháng 7, 2005 đến 6,06 tệ cho một đô la vào tháng giêng năm nay.  Nhưng sự tăng giá của đồng nhân dân tệ không làm cho người dân thường Trung quốc tin rằng đồng tiền của họ mua được nhiều hơn, mà ngược lại, họ cảm thấy dường như nó đang mất giá.

Trong chín năm qua, trong khi đồng tệ đã tăng giá so với các loại tiền tệ khác, nó đã mất giá trị đều đều ở quê nhà.  Nhiều người quy kết cho việc in tiền quá mức của ngân hàng trung ương.  Sự thặng dư của nguồn tiền Trung quốc (được biết đến là “M2”) vào cuối năm 2013 là 110,65 ngàn tỉ tệ (tức 17,77 ngàn tỉ đô la Mỹ), lớn hơn bốn lần so với con số của 10 năm trước là 22,1 ngàn tỉ tệ (hay 3,55 ngàn tỉ đô la Mỹ, theo tỷ giá hôm nay).

Các nguyên tắc căn bản của chính sách tiền tệ nói rằng khi giá trị của nền kinh tế tăng lên một đồng, thì ngân hàng trung ương nên in thêm một đồng.  Số tiền in hơn con số đó sẽ là thặng dư.  Hôm nay, tổng giá trị của tiền Trung quốc đang lưu hành so với tổng sản lượng nội địa (GDP) đang ở tỉ lệ gần đến 2:1 (trong năm 2013, GDP của Trung quốc vào cỡ 56,88 ngàn tỉ tệ, hay 9,31 ngàn tỉ đô la Mỹ).

Bởi vì tăng trưởng kinh tế của Trung quốc chủ yếu dựa vào đầu tư, nền kinh tế đòi hỏi những cú bơm vốn đáng kể.  Như nhà kinh tế của chính phủ Wu Xiaoling đã nhận định, “Trong 30 năm qua, chúng ta đã dùng lượng tiền tệ thặng dư để phát triển kinh tế.”

Trong hầu hết các nền kinh tế, điều đó sẽ dẫn đến lạm phát phi mã, nhưng nếu chúng ta nhìn vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (consumer price index) trong hai năm qua, nó chỉ ở trong khoảng 2 đến 3 phần trăm, thi thoảng nó mới vượt quá 3 phần trăm.  Trong thập niên trước, chỉ có hai dịp mà giá cả tăng vọt: trong năm 2008, khi mức tăng vượt 8 phần trăm, và trong năm 2011, khi nó đạt đỉnh tại 6 phần trăm.  Vậy tại sao sự lạm phát về tiền tệ trên quy mô lớn lại không dẫn đến lạm phát về giá cả?

Từ phía các quan chức, chúng ta chỉ nghe những lời chối bỏ rằng nguồn tiền đã lạm phát.  Sheng Songcheng, trưởng ban thống kê và phân tích của ngân hàng trung ương, hôm tháng giêng nói rằng nguồn tiền lớn bởi vì tỉ lệ tiết kiệm và tỉ số của đầu tư tài chính gián tiếp (tức là, những tài trợ dưới dạng nợ ngân hàng) khá cao.  Trung quốc có tỉ lệ tiết kiệm trong gia đình thuộc loại cao nhất thế giới, gần đây đã lên đến 50 phần trăm thu nhập (mặc dù chỉ có một thiểu số các gia đình thực sự điều khiển tỉ lệ này).

Các nhà kinh tế bất đồng về cách giải nghĩa hiện tượng này, nhưng một giáo sư văn học đã tạo ra cho nó một cái tên: “kinh tế học của chế độ công thức tham nhũng.”  Các viên chức tham nhũng, ông ta lý luận, có vai trò rất lớn trong việc kiềm chế lạm phát về giá cả.

Quan chức tham nhũng nói chung không dùng những số tiền lớn mà họ có được do lại quả, và rất ghét gởi tiền vào nhà băng vì sợ dễ bị phát hiện.  Cho nên thay vì vậy thì họ giấu tiền.  Ông giáo sư ước lượng rằng khoảng 50 phần trăm của lượng tiền thặng dư trong xã hội đã không được lưu hành do lý do này.

Các còm sỹ (bình luận viên) trên Internet của Trung quốc đã túm lấy hiện tượng này, và tung hê những cách thức giấu tiền thật sáng tạo của các quan chức gian dối như là một nghệ thuật.

Ví dụ như, Xie Mingzhong, cựu bí thư đảng ủy ở Wenchang tỉnh Hải nam, bị cách chức sau khi ông ta bị cáo buộc đã giấu hơn 25 triệu tệ trong két sắt.

Yan Dabin, cựu cục trưởng cục thông tin nhà nước ở quận Wushan, Trùng khánh, giấu các hộp cạc tông đựng 9,39 triệu tệ bên trong nhà vệ sinh của căn hộ mới, và chúng chỉ bị phát giác sau khi hệ thống nước bị rò rỉ.

Xu Qiyao, cựu giám đốc sở xây dựng của tỉnh Jiangsu, đã nhận 20 triệu tệ tiền hối lộ.  Nhiều phần của số tiền đó được bọc trong nhiều lớp ny lông vào giấu trong bọng cây, dưới một đống tro, trên đồng lúa hay bên trong nhà xí.

Li Guowei, cựu giám đốc sở xa lộ ở Ganzhou, tỉnh Giang Tây, chôn một cái hộp nhét cứng với 2,8 triệu tệ bên trong một đống rác kế bên ngôi nhà của người em trai.  “Tôi là một con chó không may mắn khi tôi bị tóm,” ông nói.

Luo Yaoxing, cựu trưởng ban kế hoạch tiêm chủng của trung tâm kiểm dịch ở tỉnh Quảng đông, mướn một căn hộ sang trọng để chứa chiến lợi phẩm.  Ông ta cuộn chặt tiền trong những túi nhựa.  Mặc dù đã bảo vệ kho tàng với giấy chống thấm và bột hút ẩm, 1,2 triệu tệ vẫn bị mốc meo.

Cái danh sách còn kéo dài.  Mặc kệ làn sóng truy tố trong thập niên qua, có rất ít lý do để tin rằng tình hình đã thay đổi gì nhiều.  Trong tháng chạp, một cựu phó giám đốc của sở Đường sắt Hohhot ở Nội Mông, Ma Junfei, bị kết án tử hình treo vì nhận hối lộ và giấu giếm nguồn gốc tài sản khủng của mình.  Lương một năm của ông ta chỉ khoảng 120.000 tệ (cỡ 19.300 đô la), nhưng hai ngôi nhà của ông ta nhét đầy tiền và vàng trị giá lên đến 130 triệu tệ (21,48 triệu đô).  Trong phiên xử án, Ma Junfei thú nhận rằng giấu số tiền hối lộ là một chuyện rất nhức đầu.

Ước tính của ông giáo sư rằng một nửa nguồn tiền tệ thặng dư đã được đám quan chức tham nhũng đem đi muối dưa (salted away) là một cách tính dựa vào cảm hứng nghệ sỹ (poetic license) hơn là bằng chứng thực nghiệm, tuy vậy tôi không chút nghi ngờ rằng tổng số tiền ăn cắp là đủ lớn để kiềm chế lạm phát về giá trong thời đại bùng nổ tiền tệ.  Như mọi người Trung quốc, tôi chắc rằng những ông quan đã được đem ra công lý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm “lại quả và hối lộ.”

Dĩ nhiên, nền “kinh tế học của chế độ công thức tham nhũng” chẳng ngăn được chuyện tăng giá.  Đó là một sự thay đổi mà người thường dân Trung quốc cảm thấy rất rõ trong những năm gần đây: mọi thứ đều mắc hơn – chỉ có đồng tiền là rẻ hơn thôi.

Yu Hua là tác giả của “Cậu bé lúc trời chạng vạng: Những câu chuyện của nước Trung hoa ẩn mình.”  Bài này được dịch bởi Allan H. Bar từ tiếng Trung.

4 thoughts on “Lần theo dấu đồng tiền, kiểu Trung quốc

  1. @ Chào Bác Thông Reo:

    Người VN mình cũng có thói quen cất giấu tiền vàng tại nhà vì mất hết niềm tin vào ai khác, nhất là trữ vàng vì bao phen đổi tiền làm người ta tan tác.
    Của hối lộ thì TKO không biết.
    Giới tư bản đỏ bây giờ cũng tinh vi lắm ạ, dòng tiền/tài chính chạy lung tung khó mà quản lý được, hoặc giả nếu ai đó có biết thì cũng có nghĩa là …!:-)

    P/s: Cảm ơn bác Thông Reo đã có lời khen TKO tại nhà cụ Ly nhé. Chúc bác luôn vui mạnh.

Leave a comment