Hàng trăm người bị bắt giam từ những cuộc bạo loạn nhắm vào xí nghiệp nước ngoài ở Việt Nam

Translated from Hundreds Arrested in Riots Targeting Foreign Factories in Vietnam (The New York Times)

Bài viết bởi Đoàn Châu và Thomas Fuller ngày 14/05/2014

Người dịch: Thông Reo

Hà nội, Việt nam – Hơn 400 người bị bắt giam sau những cuộc bạo loạn mà hàng loạt các xí nghiệp ngoại quốc đã bị thiệt hại hoặc phá hủy trong các khu công nghiệp ở miền Nam Việt nam, nhà chức trách Việt nam cho biết hôm thứ Tư.

Cuộc nổi dậy hôm thứ Ba là bất ổn công cộng tệ nhất trong lịch sử Việt nam gần đây, thu hút hàng ngàn công nhân.  

Nó bắt đầu từ những cuộc biểu tình chống lại việc Trung quốc đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp ngoài khơi Việt nam.  Nhưng các cuộc biểu tình đã chuyển hướng thành bạo động rộng khắp, khi công nhân rầm rộ kéo qua khu vực dày đặc những khu công nghiệp ở ngoại thành phía bắc của thành phố HCM, một thời từng gọi là Sài gòn.  Trong vô số những dãy nhà to lớn ở đây, hàng ngàn công nhân mà hầu hết là thanh niên sản xuất những đôi giày hay những bộ quần áo sẽ được bán trên khắp thế giới.

“Không ai biết điều gì thực sự gây ra cuộc bạo loạn – chỉ biết rằng ban đầu hình như là nhắm vào người Trung quốc,” Trương Huy San, một nhà văn và blogger nổi tiếng, nói qua điện thoại sau khi đi thị sát khu công nghiệp.  “Đó là những đám đông hoàn toàn mất kiểm soát.”

Đại đa số các xí nghiệp và công xưởng bị ảnh hưởng có chủ là người Đài loan hay Hàn quốc.

“Có thiệt hại rất đáng kể,”  Chen Bor-show, tổng giám đốc của Phòng Văn hóa và Kinh tế Đài bắc, cơ quan hoạt động như một lãnh sự quán thực thụ ở thành phố HCM.  Ông Chen nói có khoảng 200 công ty Đài loan bị ảnh hưởng.

Bộ ngoại giao Hàn quốc cho biết 50 xí nghiệp của Hàn quốc bị thiệt hại, và một công dân Hàn quốc phải vào nhà thương, tuy rằng thương tật không nguy hiểm tính mạng.

Blogger San, còn dùng bút hiệu Huy Đức, nói rằng một số công xưởng bị hư hỏng rất nghiêm trọng.  “Giống như là khu vực bị thiên tai vậy,” ông nói.  “Mọi người đều sợ.  Có cả hàng trăm xí nghiệp sẽ phải đóng cửa hàng tuần hay hàng tháng.”

Ông San nói rằng các cuộc bạo loạn là tín hiệu cho nhà cầm quyền độc tài rằng công nhân cần có những cách thức để giải tỏa những ấm ức.  Công đoàn độc lập không được hoạt động ở Việt nam.

“Tôi không biết rằng chính phủ có nhận được thông điệp từ tỉnh này hay không,”  ông nói.  “Chính phủ cần làm việc gì đó để thay đổi nhận thức và chính sách của họ.”

Trần Văn Nam, phó chủ tịch tỉnh Bình dương, nơi bạo động bùng phát, được trích dẫn bởi tờ báo mạng VNExpress, nói rằng khoảng 19.000 công nhân tham gia các cuộc biểu tình hôm thứ Ba.

Một quan chức tỉnh khác, Trần Xuân Nam, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại cuối ngày thứ Tư rằng tình hình đã ổn định và 447 nghi can đã bị bắt.  “Chúng tôi sẽ vãn hồi trật tự càng sớm càng tốt,” ông nói.

Ông Nam nói rằng 20 xí nghiệp đã bị “phá hủy nghiêm trọng.”  Ông quy trách nhiệm của các cuộc bạo loạn cho “chủ nghĩa cực đoan”, nhưng không bình luận thêm.

Tòa Đại sứ TQ tại Hà nội hôm thứ Tư đã gởi cảnh báo đến các công dân TQ ở Việt nam, thúc giục họ “giảm thiểu việc đi ra khỏi nhà không cần thiết.”  Chính phủ Hồng công phát hành một cảnh báo du lịch, nhắc nhở du khách “tránh xa các cuộc biểu tình hay tụ tập đông người.”

Ảnh hưởng về mặt kinh doanh của các cuộc bạo loạn bây giờ chưa được rõ.

Yue Yuen, công ty Đài loan làm giày cho Nike, Adidas và nhiều hiệu khác, nói rằng họ đã cho công nhân ở Việt nam nghỉ ngày thứ Tư, và chưa quyết định có mở cửa ngày thứ Năm hay không, mặc dù các nhà máy của họ không bị tổn thất và không có công nhân nào bị thương.  Jerry Shum, đặc trách quan hệ đầu tư của công ty Yue Yuen cho rằng tình hình sẽ sớm trở lại bình thường ở các khu công nghiệp, và tin rằng họ sẽ đạt chỉ tiêu sản xuất hàng tháng.

Cho dù vậy, chứng khoán của công ty trên sàn chứng khoán Hồng công, giảm 4,95 % hôm thứ Tư sau một ngày mua bán tấp nập.

Để biết được mức sản xuất ở Việt nam và tầm quan trọng của nó trên thị trường toàn cầu, Yue Yuen sản xuất 313 triệu đôi giày năm ngoái, một phần ba làm ở Việt nam.

Bộ ngoại giao Đài loan lên án các cuộc bạo loạn và kêu gọi các người biểu tình “kiềm chế, không manh động, không phá hoại thiết bị sản xuất hay đe dọa an ninh của doanh nhân Đài loan.”  Thiệt hại thêm nữa, họ tuyên bố, “có thể phương hại đến mong muốn đầu tư của Đài loan, và quan hệ hữu nghị lâu dài giữa nhân dân hai nước.”

Biểu tình chống Trung quốc bắt đầu hôm thứ Hai trên những con đường của khu công nghiệp, theo một thông báo của Khu công nghiệp Việt nam – Singapore, một trong những khu bị ảnh hưởng.  Thông báo nói rằng người biểu tình sau đó lựa ra những công ty có sở hữu hoặc quản lý bởi các công ty TQ hay kiều dân TQ.

Một viên chức Việt nam cho hay một số người nổi loạn đã chạy vòng vòng trong khu công nghiệp bằng xe máy.

Bất đồng về lãnh hải giữa Việt nam và Trung quốc, được coi như là nguyên nhân của các cuộc biểu tình, bắt đầu vào đầu tháng 5 khi TQ kéo giàn khoan khổng lồ vào vị trí ở biển Đông cách bờ biển Việt nam 140 dặm và cách khoảng 17 dặm từ một đảo san hô nhỏ mà cả hai nước đều tranh giành. Cả hai bên đều gởi tàu thuyền đến khu vực đó, đã có đối đầu và va chạm trong tuần qua, mà phe này đổ tội cho phía kia.

Cuộc tranh cãi qua lại về cái giàn khoan tiếp tục hôm thứ Tư.  Bộ trưởng Ngoại giao TQ Wang Yi phê phán Việt nam đã “gởi một số lớn tàu đến can thiệp một cách bạo lực và ủi một cách tàn nhẫn” vào tàu TQ, và khăng khăng rằng dự án khoan dầu ở đó không phải là chuyện mới.  “Công việc này đã bắt đầu từ 10 năm trước,” ông Wang được trích là đã nói như vậy trong một công bố trên mạng của bộ ngoại giao.

Đoàn Châu tường thuật từ Hà nội, Việt nam, và Thomas Fuller từ Bangkok.  Keith Bradsher bổ sung từ Hồng công; Choe Sang-hun từ Seoul, Hàn quốc; Austin Ramzy từ Đài bắc, Đài loan;  và Mike Ives từ Hà nội.  Bree Feng bổ sung nghiên cứu từ Bắc kinh.

 

Leave a comment